Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến đầu tháng 4, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với với hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số này đang tăng lên từng ngày do các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ khách hàng.
Tăng dự phòng
Báo cáo tài chính quý I/2020 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, lợi nhuận ở nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm trước do nhiều yếu tố như tín dụng, huy động vốn giảm, chi phí hoạt động tăng…, vì vậy việc tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng đang “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng.
Chẳng hạn, ngay trong quý I/2020, Vietcombank tăng trích lập dự phòng rủi ro lên 43%, ở mức 2.152 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm tới 11%. Còn Saigonbank trích lập dự phòng rủi ro tăng 51% so với cùng kỳ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 31,4% còn 48,3 tỷ đồng. Tương tự, quý I, Kienlongbank đột ngột tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 37 lần so với cùng kỳ năm 2019, lên gần 69 tỷ đồng.
Trong quý I/2020, VietBank trích 29,8 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Tại TPBank, chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng gần 19% so với đầu năm.
Báo cáo mới đây của BacABank cho thấy, quý I/2020, dù tín dụng tăng chậm, song ngân hàng vẫn phải trích lập tới 44 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái không trích lập dự phòng. Do đó, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 57 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại VPBank, trong 3 tháng đầu năm, ngân hàng trích lập 3.712 tỷ đồng dự phòng. Do đó, chi phí dự phòng đã tăng so với cùng kỳ năm trước 26,1% khi loại trừ ảnh hưởng dự phòng đã trích cho dư nợ trái phiếu VAMC trong 2019. Riêng ngân hàng mẹ, chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng được thể hiện rõ nét trong việc tăng chi phí dự phòng cho vay khách hàng lên tới 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong quý I/2020, hàng loạt ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng để chuẩn bị cho việc nợ xấu có thể tăng mạnh trong các quý tới. Ngoài ra, đây là cách để các ngân hàng tạo dựng một nền tảng vững chắc, sẵn sàng đối phó với các thách thức và diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập của ngành ngân hàng do nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, trong năm 2020, việc tăng trích lập dự phòng có thể làm giảm thu nhập của các tổ chức tín dụng khoảng 6.736 tỷ đồng.
Mới đây, lãnh đạo Agribank dự kiến trong năm nay sẽ trích lập dự phòng rủi ro từ 16.000 – 18.000 tỷ đồng.
Nợ xấu có thể lên tới 4%
Thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngân hàng đã tung nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp, theo chỉ thị của NHNN. Tuy nhiên, việc cho vay này tiềm ẩn rủi ro với cả khoản vay mới và cũ với các nhóm ngành bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm NHNN công bố dự nợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt con số 2 triệu tỷ đồng là khoảng đầu tháng 4. Tuy nhiên, đến nay, con số này có thể cao hơn, bởi các ngân hàng đang đẩy mạnh xét duyệt hồ sơ cho khách hàng.
Chẳng hạn, VIB cho biết đang nhận được rất nhiều kiến nghị hỗ trợ từ khách hàng. Dự kiến, trong 4 tuần tới sẽ tiếp tục xử lý cho 4.700 khách hàng, dư nợ 6.600 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, hiện tại số lượng hồ sơ cấu trúc nợ, nằm chờ, đang giai đoạn hoàn thiện khoảng hơn 10.000 khách hàng, với hàng chục nghìn khoản vay.
Các nhà phân tích cho rằng hiện đã kết thúc quý I nhưng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tác động đối với ngành ngân hàng sẽ rõ rệt hơn trong quý II, không chỉ trên thu nhập và lãi mà còn cả chất lượng tài sản.
Theo ước tính của NHNN, nhiều khả năng nợ xấu năm nay sẽ vượt 3% nếu dịch diễn biến xấu.
Cụ thể, theo kịch bản dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020.
Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc nâng trích lập dự phòng của các ngân hàng trong quý I là một trong những bước chuẩn bị cho việc nợ xấu tăng thời gian tới.
Huyền Anh