Từ những quan sát của cá nhân mình, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng doanh nghiệp đã bắt đầu “thấm” những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Du lịch, hàng không là những lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên, và hai tháng tới đến ngành ngân hàng.
"Thế khó" của ngân hàng
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong cuộc họp ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ cho biết về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua, tuy nhiên theo ông Đặng Hồng Anh, vẫn còn vấn đề liên quan đến thực tiễn. Vì các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, do đó việc giảm lãi hay giãn nợ ảnh hưởng đến hiệu quả ngân hàng.
Ông Hồng Anh cho rằng, đầu tiên là vấn đề xung đột lợi ích, các ngân hàng sẽ phải có chính sách tiết giảm lợi nhuận trong năm nay. Việc lấy nguồn lợi nhuận đó để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng phải có tiêu chí rõ ràng mới đi vào thực tiễn được.
Ông lấy ví dụ một số doanh nghiệp yêu cầu giảm lãi hỗ trợ, nhưng kéo dài hơn một tháng; nếu không tác động thì rất ít khi được trả lời. Hầu như các ngân hàng sẽ nói là đang xem xét tiêu chí.
Theo ông Hồng Anh, nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận thì chắc chắn sẽ “làm lơ” với yêu cầu từ doanh nghiệp. Hay với việc giãn nợ doanh nghiệp nếu không khéo cũng sẽ bị cân nhắc nâng nhóm nợ, vay tiếp lại khó.
Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, NHNN cần có một tổng đài SOS cho doanh nghiệp để có thể giải quyết các vấn đề chính đáng mà NHTM không xử lí được.
Dưới góc nhìn của ông Hồng Anh, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền tảng tích lũy chưa có nhiều; và không có kế hoạch hậu dịch phát triển công ty thì vay ngân hàng có thể là gánh nặng cho chính họ, không khéo ảnh hưởng đến ngân hàng, do đó không nên vay thời điểm này. Các doanh nghiệp có nền tảng tốt hơn thì nên tìm kiếm dự trữ mới tốt; sau dịch thị trường ổn định thì lên phương án hồi phục lại.
“Khoảng 2 tháng nữa thì ngân hàng cũng sẽ rơi vào khó khăn. Vay tiêu dùng, vay bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng. Tôi khuyên doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch tốt hậu dịch thì không nên vay. Doanh nghiệp có nền tảng, điều kiện ổn định hơn, tốt hơn, thanh khoản hơn thì kiếm dự trữ mới thật tốt, trong nguy có cơ, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt sẽ như lò xo bật lại, phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn”, ông Hồng Anh chia sẻ.
"Thuốc thử" COVID-19
Theo Shark Đặng Hồng Anh, trong cái họa luôn có cái phúc, trong nguy có cơ. Thời điểm này là thời điểm khó với doanh nghiệp, nhưng cũng đừng nên nản lòng.
"Chúng ta nên nghĩ tích cực là qua dịch ta học được rất nhiều bài học, thấy được, đánh giá được tất cả các mối quan hệ xung quanh. Doanh nghiệp đang phát triển thì mọi thứ thế nào, doanh nghiệp đang khó khăn thì bạn bè, tư hữu đối tác, cán bộ, nhân viên đối xử với ra sao để nghiệm về cuộc đời mình" Shark Hồng Anh nói và cho rằng trong thời điểm này, ngoại trừ chống chọi với dịch, có thời gian rảnh rỗi hơn thì ta nên nghiên cứu, trao đổi, học hỏi về lĩnh vực của mình, về công tác quản trị điều hành của mình, thông qua sách vở, thông qua các chuyên gia, các cuộc hội thảo trên mạng, để tích lũy kiến thức, trải nghiệm để sau dịch có định hướng cho doanh nghiệp.
Quan điểm của ông Hồng Anh cũng chính là lời đúc kết của cổ nhân: "Lúc gian nan mới hiểu được lòng người!". Chỉ đến khi bạn gặp khó khăn, bế tắc thì bạn mới có thể hiểu được ý nghĩa của tình bạn, tình yêu, tình thân như thế nào. Đến khi ấy bạn mới nhận ra rằng cuộc sống này có nhiều điều chúng ta không thể ngờ đến vậy. Khi bạn khó khăn, túng thiếu người thực sự giúp bạn, thử hỏi có được mấy người?
Người ta vẫn nói rằng khi vui hãy tìm đến bạn bè, khi buồn bạn chỉ có thể tự dựa vào bản thân. Cho dù hôm nay bạn có thể cùng họ ăn cùng nhau một bữa cơm, có thể mở một bữa tiệc mời họ đến. Nhưng đến khi gặp khó khăn, đừng tưởng rằng tất cả bọn họ sẵn sàng giang tay ra giúp đỡ bạn lúc ấy. Những người có thể giúp đỡ bạn thật sự chỉ có một con số cực kỳ ít mà thôi.
"Ngủ đông" là giải pháp cần khi khủng hoảng
Ông Đặng Hồng Anh cho biết, hiện tại, một số ngành nghề rơi vào tình trạng không có doanh thu. Giải pháp để giảm chi phí cố định khá khó khăn, dẫn đến thua lỗ, nguy cơ âm vốn.
"Nếu cố gắng xoay xở mà tìm kiếm được doanh thu trong thời điểm này thì mình sẽ cố, nhưng hầu như các doanh nghiệp đều nghĩ, trước hết phải tồn tại." - Ông Hồng Anh nói, và vì vậy, họ nghĩ đến giải pháp ngủ đông, như những con gấu.
"Ngủ đông" trong quan điểm này là tiết giảm mọi chi phí có thể, hoạt động chậm lại, nghiệm lại và tìm kiếm kế hoạch, định hướng cho đơn vị.
Theo ông Đặng Hồng Anh, có 5 lý do khiến doanh nghiệp cần chuyển sang trạng thái ngủ đông khi khủng hoảng. Một là doanh thu giảm sút hoặc không có. Hai là biến phí giảm do doanh thu giảm nhưng định phí vẫn giữ nguyên khiến mất cân đối thu chi. Ba là lợi nhuận âm và doanh nghiệp phải lấy quỹ dự phòng để duy trì dòng tiền. Bốn là doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng, mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Năm là doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng, thiếu nguồn lực thì mất cơ hội.
Ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh: chuyển sang trạng thái ngủ đông bằng việc cắt giảm chi phí không phải bởi tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn mà đây là việc doanh nghiệp ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi.
"Không có thu thì giảm chi. Giá cổ phiếu xuống thì chúng ta có thể đổ tiền ra cứu. Chi phí và doanh thu mất cân đối khiến dòng tiền âm, đến khi các quỹ của chúng ta hết tiền thì không ai cứu được. Lúc này, uy tín thương hiệu vẫn quan trọng nhưng còn tồn tại và phục hồi nhanh sau khủng hoảng mới là điều quan trọng nhất".
Theo ông Đặng Hồng Anh, việc cắt giảm chi phí nên được thực hiện theo từng nhóm. Một số nhóm chi phí có thể thực hiện được ngay gồm: chi phí nhân sự, chi phí điện nước, văn phòng phẩm, chi phí tiếp thị, thuế…
Trong nhóm chi phí nhân sự, có 3 nhóm nhỏ gồm: không thể cắt giảm, có thể cắt giảm và cắt giảm ngay lập tức.
Nhóm không thể cắt giảm gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ thâm niên. Với nhóm này, doanh nghiệp vận động tạm dừng nhận lương và phụ cấp trong 6 tháng, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Đối với nhóm có thể cắt giảm (gồm những nhóm trực tiếp tạo ra doanh thu), doanh nghiệp cần cho nhóm này tạm dừng nhận 50% lương và phụ cấp, giữ ở mức duy trì cơ bản cuộc sống, treo khoản lương và trợ cấp nhận sau khi khủng hoảng kết thúc và hoạt động kinh doanh có doanh thu đồng thời giảm số ngày làm việc mỗi tuần.
Đối với nhóm cắt giảm ngay lập tức (nhóm gián tiếp tạo ra doanh thu) doanh nghiệp nên cho nghỉ vì nhóm này có thể tuyển thay thế sau khi khủng hoảng kết thúc và kinh doanh phục hồi.
Để cắt giảm chi phí điện nước, văn phòng phẩm, ông Anh khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện giải pháp làm việc tại nhà, giảm ngày làm việc còn 3-4 ngày/tuần…..
Để cắt giảm chi phí thuế, doanh nghiệp cần xin miễn giảm và hoãn nộp tất cả các loại thuế, phí (BHXH, phí công đoàn, thuế VAT….) đến khi kết thúc khủng hoảng và phục hồi kinh doanh.
Vị chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam lưu ý: điều tối kỵ với các doanh nghiệp là sử dụng các khoản vay ngân hàng để duy trì thanh khoản và dòng tiền trong lúc khủng hoảng. Các khoản vay nên dùng để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.
Theo ông, việc thực hiện các giải pháp ngủ đông như trên sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được dòng tiền tối thiểu vượt qua khủng hoảng, giữ được bộ máy chủ chốt hoạt động để có thể phục hồi kinh doanh ngay sau khi kết thúc khủng hoảng.
“'Lúc có thì chẳng ăn de, đến khi hết sạch ăn dè chẳng ra' – lúc này khi chưa biết khủng hoảng khi nào kết thúc thì giải pháp ngủ đông là cần thiết và cấp bách cho tất cả các doanh nghiệp lớn hay nhỏ, dù có hay không có áp lực mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền", ông Anh nhấn mạnh.