COVID-19 khởi phát tại Việt Nam từ đầu năm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam. Cộng đồng startup cũng không đứng ngoài những biến động. Chuyên gia Tạ Minh Thanh, đại diện Sun* Startups, đơn vị hỗ trợ khởi tạo các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu cho rằng, trong khó khăn luôn có cơ hội để các founder, CEO nhìn lại mô hình kinh doanh, tối ưu hoá chức năng sản phẩm dịch vụ và điều chỉnh bộ máy để thích ứng hoàn cảnh mới.
- Ông đánh giá mức độ tác động của COVID-19 lên cộng đồng startup tại Việt Nam ra sao?
Dịch bệnh xảy ra đúng lúc làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam và thế giới đang sôi nổi, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, sáng tạo. Nó tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn nhất tới các startup kể từ sau khủng hoảng dotcom năm 2000.
Các startup hiện thu mình và phát triển theo hai hướng. Một là điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, tinh chỉnh lại cơ cấu nhân sự và chờ thời cơ phát triển mạnh mẽ sau dịch bệnh. Hai là tận dụng tối đa thế mạnh công nghệ nền tảng trực tuyến đang có để vươn lên một cách mạnh mẽ. Hầu hết đang gồng mình chỉnh nguồn tài chính, hiệu quả hoá cơ cấu nhân sự, chuyển đổi mô hình phục vụ sang trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Các startup trong các lĩnh vực truyền thống sử dụng công nghệ thông tin, vận hành theo mô hình O2O (Online to Offline) như dịch vụ bán hàng hoá, tuyển dụng nhân sự thời vụ... chịu ảnh hưởng đáng kể nhất. Startup về nền tảng du lịch, ngành dịch vụ F&B, ngành dịch vụ beauty, lĩnh vực edutech theo mô hình offline cũng chịu tác động trực diện bởi ảnh hưởng của dịch, lệnh cách ly xã hội.
Trong khi đó, các startup công nghệ triển khai trên điện toán đám mây, cung cấp các nền tảng giao tiếp trực tuyến như Slack, Zoom... cung cấp dịch vụ thiết yếu khi bị hạn chế ra ngoài như tư vấn sức khoẻ trực tuyến của eDoctor, dịch vụ giao thực phẩm đến tay người dùng của DoorDash Việt Nam... thu hút sự quan tâm.
- Cộng đồng khởi nghiệp Việt cần lưu tâm những yếu tố gì trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp?
Sau khủng hoảng bong bóng dotcom, các startup công nghệ lần đầu tiên gặp phải khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử với quy mô toàn cầu, nên hầu như chưa hề chuẩn bị kế hoạch đối phó rủi ro.
Điều mấu chốt lúc này là điều chỉnh lại cơ cấu nhân sự, đưa ra các phương án đối phó phù hợp. Mục tiêu tối quan trọng là sống sót qua dịch. Mọi hoạt động cung cấp dịch vụ cần được cân nhắc để chuyển đổi trên nền tảng online, số hoá, tự động hóa. Đây cũng là cơ hội để tối ưu hoá chức năng cho các sản phẩm dịch vụ nhằm mang lại giá trị thực cho khách hàng trong dịch cũng như sau khi khủng hoảng đã qua.
- Ông nhìn thấy cơ hội nào cho các startup trong giai đoạn này?
Trong tình hình khó khăn nhất, các startup luôn có cách để thích ứng. Yêu cầu giãn cách xã hội là cơ hội cho các startup chuyên về công nghệ giáo dục và đào tạo trực tuyến (Edutech), hỗ trợ vận hành công việc từ xa (Work From Home), nền tảng chăm sóc sức khoẻ (Medtech). Không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh, đó có thể là xu thế tất yếu trong tương lai. Bên cạnh đó, các công nghệ hay sản phẩm về tương tác như AR, VR, robotics và công nghệ mô phỏng có thể sẽ là mối quan tâm lớn trong thời gian tới.
Việc các startup công nghệ vượt qua được giai đoạn khó khăn này sẽ càng minh chứng tính cần thiết của sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhờ đó họ tự tin, dễ dàng thuyết phục quỹ và các nhà đầu tư khi gọi vốn.
Những cuộc khủng hoảng diễn ra trước đây thường xuất phát từ bất ổn kinh tế. Lần này là dịch bệnh, cả thế giới phải đối mặt với những vấn đề giống nhau. Startup Việt Nam có thể "go global" nhanh chóng nếu kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề chung mang tính toàn cầu.
- Vậy đâu là giải pháp để các startup có thể phục hồi và đón thời cơ khi dịch bệnh qua đi?
Trước mắt, các startup cần bảo vệ sức khoẻ cho nhân viên, để duy trì phát triển sản phẩm và các hoạt động kinh doanh. Đội ngũ con người gắn bó mật thiết sẽ là yếu tố tiên quyết để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Các founder cần phải bình tĩnh, nắm bắt cụ thể tình hình công ty và đưa ra kế hoạch ứng phó chi tiết, cải thiện tối đa sản phẩm dịch vụ và vận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ cho khách hàng. Người đúng đầu cũng cần có tư duy cởi mở, sẵn sàng cung ứng các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ xã hội thời điểm cần thiết.
Các startup cũng cần quan tâm sâu sắc đến các khách hàng trong giai đoạn này, đáp ứng mong muốn và lắng nghe ý kiến để cải thiện chất lượng sản phẩm. Khách hàng tận tâm sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho startup.
- Ngoài sức mạnh tự thân, startup có thể tận dụng nguồn lực bên ngoài nào từ hệ sinh thái?
Bên cạnh chủ động kế hoạch ứng phó với đại dịch, tận dụng tư vấn từ các cổ đông, nhà đầu tư, startup có các nguồn lực hỗ trợ tích cực khác, đơn cử như Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ, với nhiều chính sách hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp cung cấp giải pháp cho cộng đồng, ứng dụng công nghệ trong ứng phó với đại dịch.
Với các startup đang ở giai đoạn pre-seed và seed, chúng tôi nhận định việc định hình lại chiến lược, mô hình kinh doanh, xây dựng đội ngũ trong thời gian này là rất quan trọng, họ có thể tranh thủ thời gian này để nhờ các chuyên gia về kinh doanh xem lại toàn bộ các vấn đề trên. Đối với các startup vẫn đang tiếp tục vận hành, họ có thể tìm đến các nhà đầu tư công nghệ như Sun* để nâng cấp hệ thống hoặc phát triển các giải pháp trong tức thời đáp ứng môi trường kinh doanh thời dịch bệnh. đặc biệt là các đơn vị có quy mô vừa và nhỏ.
Hiện tại, Sun* Startups đang mở chương trình Batch 1 cho các bạn ở nhóm pre-seed và seed với mục đích như trên, đồng thời cũng đang hỗ trợ 1 startup khác phát triển nền tảng mới. Chúng tôi có sẵn các nguồn lực phát triển với giá ưu đãi cho các startup cần R&D sản phẩm dịch vụ, nhằm thích ứng với xu thế mới và cải tiến sản phẩm theo nhu cầu người dùng.
- Bài học "xương máu" rút ra cho startup từ dịch bệnh là gì, thưa ông?
Thứ nhất, startup phải luôn linh hoạt trong xây dựng chiến lược trong công ty, ứng biến và lên kế hoạch cho mọi tình huống xấu nhất.
Thứ hai, cần quan tâm sâu sắc và đảm bảo sức khoẻ cho con người trong công ty, duy trì đoàn kết tập thể trong công ty để gắn bó mọi nguồn lực, vững tin vượt qua thử thách.
Cuối cùng, các founder cần tối ưu hoá được dòng tiền để vận hành công ty, ít nhất là trong 12 tháng. Khi dịch bệnh chưa rõ ràng về giai đoạn đỉnh điểm và thời gian kết thúc, việc chủ động dòng tiền đảm bảo hoạt động cơ cấu tổ chức sẽ là bài toán quan trọng trong duy trì sản phẩm phục vụ khách hàng.