Mất đi khoản thu nhập lớn kể từ lúc xảy ra dịch Covid-19 cho đến khi dần nới lỏng các hạn chế, hộ gia đình bà Trần Thị Mai ở quận 5 (Tp.HCM) cho biết đang duy trì việc tiết kiệm thay vì đi ra ngoài mua sắm rộng rãi như lúc trước, bài toán chi tiêu luôn được các thành viên trong gia đình cân nhắc cẩn thận.
Tâm lý thu hẹp chi tiêu
Tương tự như nhà bà Mai, nhiều hộ gia đình ở Tp.HCM thời kỳ hậu giãn cách xã hội phải đối mặt với thu nhập sụt giảm nên việc tiết kiệm tiền bạc đối với họ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây cũng có thể xem là tín hiệu cho sức mua trên thị trường nội địa chưa thể hồi phục một sớm một chiều nếu thiếu đi các giải pháp kích cầu.
Tại buổi tọa đàm ngày 5/5 để bàn về vấn đề khôi phục kinh tế Tp.HCM hậu Covid-19, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong đã sốt ruột muốn giới doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia hiến kế những giải pháp hiệu quả để vực dậy sức mua của thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh.
Thực tế, sức mua trên thị trường Tp.HCM nói riêng hay thị trường cả nước nói chung vào thời điểm này giảm cũng là điều dễ hiểu. Người dân có tâm lý thu hẹp chi tiêu, mua sắm khi gặp khó khăn về công việc và thu nhập từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4/2020 đã giảm đến 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm 4,3%.
Còn theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong tháng 4/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257,39 nghìn tỷ đồng, giảm 15,31% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16,8 nghìn tỷ đồng, giảm 64,72%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 88 tỷ đồng, giảm 45,17%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 19,65 nghìn tỷ đồng, giảm 53,34% so cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 1.224,45 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,56% tổng mức và chỉ tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, theo Ts. John Walsh (Đại học RMIT Việt Nam), nếu nhìn một cách lạc quan, mọi thứ phần nào sẽ trở lại bình thường dù nhu cầu sẽ tiếp tục thấp khiến tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở Việt Nam và những nơi khác đều giảm. Từ góc độ này, những nền tảng cơ bản của thị trường sẽ không thay đổi và hoạt động thương mại sẽ được nối lại.
Ts. John Walsh cho rằng nếu Chính phủ quyết định hỗ trợ ngành nông nghiệp, cũng sẽ cần hỗ trợ tất cả các mắt xích của chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm nông nghiệp vào các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng…
Chờ giải pháp kích cầu
“Tương tự với ngành du lịch, không chỉ hỗ trợ khách sạn và nơi lưu trú mà cả phương tiện đi lại, khu nghỉ dưỡng, hỗ trợ bán lẻ và những dịch vụ cá nhân. Nhìn chung, sẽ tốt hơn nếu hỗ trợ những ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm”, vị chuyên gia của RMIT chia sẻ.
Đối với thị trường nội địa, trong bối cảnh người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, giới chuyên gia nhận định nếu tình hình dịch bệnh ổn định vào giữa năm, thì các DN có thể kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm vào quý 4/2020.
Còn như hiện tại, các mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng xa xỉ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì người tiêu dùng thắt chặt ví tiền và chỉ chú trọng mua sắm cho các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Cũng nên tham khảo chính sách ở một số quốc gia khác đưa ra các gói kích cầu để kích thích người tiêu dùng mua sắm, bằng các biện pháp thúc đẩy và nâng cấp ngành tiêu dùng ở thành thị, mở rộng tiêu dùng ở nông thôn và phát triển ngành tiêu dùng dịch vụ.
Như ở Trung Quốc có chính sách “đưa nông sản vào thành phố, đưa hàng hóa về nông thôn”, với vai trò lớn của thương mại điện tử (TMĐT), vừa nâng cao thu nhập của nông dân, vừa giúp người dân nông thôn mua được các sản phẩm tiêu dùng rẻ, đẹp.
Ngoài ra, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ DN, việc thực hiện chính sách giảm thuế cũng có thể kích thích tiêu dùng. Với trường hợp Việt Nam, có thể nên giảm thuế VAT khoảng 50% so với mức thuế suất hiện tại để giúp hàng hóa dịch vụ của DN giảm thêm nhằm hấp dẫn người mua trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”.
Ở góc độ quản lý, để phát triển thị trường thương mại nội địa trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng cần phối hợp với các sàn TMĐT tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh TMĐT nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và các tình huống khẩn cấp.
Mặt khác, cần xây dựng “Đề án phát triển nền tảng ứng dụng TMĐT” để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thế Vinh