Ngày 22.4, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản liên quan đến việc xử lý các sai phạm tại dự án nhà ở thương mại khối 7, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) do công ty TNHH xây dựng Nam Sơn (công ty Nam Sơn) làm chủ đầu tư.
Để xảy ra hàng loạt sai phạm như vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk phê bình nghiêm khắc công ty Nam Sơn và yêu cầu công ty này chấp hành nghiêm túc dừng hoạt động thi công để hoàn tất hồ sơ liên quan; nếu tái diễn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong công văn của mình, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND TP. Buôn Ma Thuột nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với việc theo dõi, giám sát của dự án; Sở TNMT thực hiện hoàn thành các thủ tục cho thuê đất để xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất. Các thủ tục phải hoàn thành trước ngày 10.5.
Luật sư nói gì?
Nhiều ý kiến luật sư nhận định, việc xây dựng các biệt thư trên đất nông nghiệp diễn ra từ lâu lại liên tục bị xử phạt là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đối với những trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm có thể buộc dừng thi công, cưỡng chế tháo dỡ…
Liên quan đến dự án nhà ở thương mại khối 7 do công ty Nam Sơn làm chủ đầu tư, xây biệt thự trên đất nông nghiệp, liên tục bị xử phạt hành chính… nhiều luật sư trên địa tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra đánh giá về tính pháp lý của dự án này.
Theo luật sư Lê Xuân Anh Phú - Đoàn luật sư Đắk Lắk, đối với công trình vi phạm của công ty Nam Sơn, để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư có hành vi xây dựng trái phép thì tùy từng trường hợp mà xử lý.
Luật sư Phú dẫn chứng, nếu công trình xây dựng trái phép xảy ra sau ngày 4.1.2008 và kết thúc trước ngày 15.1.2018 thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số tiền hưởng lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng…
“Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định.
Đối với trường hợp xây dựng trái phép sau ngày 15.1.2018, theo quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng…” – luật sư Phú thông tin.
Trong khi đó, luật sư Dương Lê Sơn - Đoàn luật sư Đắk Lắk, phân tích thêm: Theo quy định tại Khoản 5, 11- Điều 15 tại Nghị định 39/2017 về việc phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng thì bị xử phạt hành chính, có thể buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
“Riêng tại dự án của công ty Nam Sơn liên tục vi phạm thì biện pháp mạnh là yêu cầu dừng thi công, thậm chí có thể cưỡng chế để xử lý triệt để” – luật sư Dương Lê Sơn phân tích.