TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến thu nhập của ngành ngân hàng. Trong đó, đã lượng hóa chi phí các gói hỗ trợ nền kinh tế của ngành ngân hàng.
Nguy cơ giảm thu
Theo đánh giá, cùng với gói hỗ trợ tài khóa, an sinh xã hội và giảm chi phí khác cho người dân và doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều giải pháp như giảm các lãi suất điều hành (từ ngày 16/3/2020), qua đó giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn lãi phạt, giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn; giảm các phí dịch vụ như thanh toán, chuyển tiền.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bản thân các TCTD lại phải đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập hoạt động.
Có thể chia chi phí mà hệ thống TCTD đảm nhận thành 2 nhóm: chi phí trực tiếp khi các TCTD triển khai các chính sách, gói hỗ trợ (giãn - hoãn nợ, giảm lãi, miễn phí cho người dân, doanh nghiệp); chi phí gián tiếp khi thu nhập của các TCTD bị giảm do tác động tiêu cực từ dịch bệnh (chưa tính đến các khoản ủng hộ an sinh xã hội thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ hoặc đầu mối khác).
Trong đó, tác động trực tiếp ước tính tổng thu nhập của các TCTD năm 2020 sẽ giảm từ 17.722 - 21.828 tỷ đồng. Cụ thể, ước tính mức thu nhập giảm khoảng 11.475 tỷ đồng do việc giảm lãi suất 0,5-1,5% đối với dư nợ hiện hữu; việc giảm lãi suất với các khoản vay mới, ước tính mức thu nhập có thể giảm từ 2.430 - 6.075 tỷ đồng; giữ nguyên nhóm nợ khiến TCTD giảm thu nhập có thể lên đến 3.500 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm các loại phí khiến số tiền phí các TCTD hỗ trợ khách hàng khoảng 317 tỷ đồng (đã trừ đi hỗ trợ từ Napas).
Đối với các yếu tố tác động gián tiếp, ước tính tổng thu nhập năm 2020 của các TCTD sẽ bị giảm khoảng 12.268 tỷ đồng với 2 cấu phần chính bao gồm: giảm thu nhập từ lãi do tín dụng tăng trưởng thấp: nếu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khoảng 11%, thấp hơn so mục tiêu từ đầu năm (14%), ước tính mức giảm thu nhập từ lãi sẽ vào khoảng 5.532 tỷ đồng.
Thứ hai là các TCTD tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, ước tính các TCTD sẽ giảm khoảng 6.736 tỷ đồng trong năm 2020.
Tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu cho thấy, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng năm 2020 dự báo sẽ giảm ít nhất là khoảng 30-34 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu, khiến thu thuế ngân sách ước giảm khoảng 6 - 6,8 nghìn tỷ đồng.
7 giải pháp vượt Covid-19
Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị 7 giải pháp vực dậy nền kinh tế.
Đối với Chính phủ và cơ quan quản lý cần có kế hoạch, kịch bản khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội có lộ trình, cùng với ưu tiên phòng chống dịch bệnh.
Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ (tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội) nhằm mang lại hiệu quả cao nhất; theo đó, do đây là vấn đề mới nên các hướng dẫn thực hiện cần được cụ thể, rõ ràng, đảm bảo nhất quán thực hiện, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, hạn chế tối đa hiện tượng trục lợi chính sách, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng tốc độ xử lý.
Trong khi đó, dưới góc độ cơ quan quản lý, NHNN xem xét tăng cường cho vay tái cấp vốn đối với các TCTD, dù không được nhiều, nhưng cũng góp phần giảm chi phí đầu vào cho các TCTD.
Thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý trong quá trình xây dựng và thực hiện các gói hỗ trợ cũng như phát triển kinh tế số, dịch vụ tài chính số, ngân hàng số, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ tiền di động (Mobile money) và mô hình kinh doanh mới khác.
Riêng các TCTD, đa dạng hóa nguồn thu để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng, bù đắp phần giảm thu nhập; trong đó, tập trung phát triển các mảng dịch vụ ngân hàng số và phát triển các sản phẩm – dịch vụ mới sau đại dịch Covid-19.
Thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu thông qua việc đánh giá, phân tích các ngành nghề, lĩnh vực, khách hàng chịu tác động mạnh; liên hệ chặt chẽ và bám sát khách hàng để nắm rõ mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ phù hợp; tích cực truyền thông, trao đổi để khách hàng hiểu, thiện chí hợp tác và cùng đồng hành vượt qua khó khăn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ và thị hiếu mới của khách hàng; vừa tăng năng suất lao động, giảm thiểu chi phí, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.
Thanh Hoa